Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

ĐẤU TRANH NGĂN CHẶN, PHÒNG CHỐNG TIN GIẢ TRÊN MẠNG XÃ HỘI

          Tin giả (fake news), còn được gọi là tin rác, tin giả mạo, bịa đặt hoặc tin lừa đảo, là một loại hình báo chí hoặc tuyên truyền bao gồm các thông tin cố ý hoặc trò lừa bịp lan truyền qua phương tiện truyền thông tin tức truyền thống (sách, báo, tờ rơi...và phát sóng) hoặc phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến. Tin giả với mục đích đánh lừa nhằm gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân về mặt tài chính hoặc chính trị, nó thường sử dụng lối viết giật gân, không trung thực hoặc dùng các tiêu đề bịa đặt để câu "like" câu "view" kiếm doanh thu quảng cáo từ hoạt động này.

          Tin tức giả được tạo ra, phát tán bởi các cá nhân hoặc một nhóm người trên không gian ảo của mạng xã hội nhưng mang đến những hệ lụy và hậu quả khôn lường cho các nhóm đối tượng khác nhau và cho xã hội ở cuộc sống thực: Tạo ra sự nhìn nhận, hiểu biết sai lệch về vấn đề hoặc sự kiện mà người tiếp nhận thông tin đang quan tâm dẫn đến việc chuyển tiếp thông tin sai, hành động sai. Gây tâm trạng hoài nghi, bất ổn, hoang mang, lo sợ buộc người hay nhóm người tiếp nhận thông tin hình thành các xu hướng tiêu cực trong xã hội mà con người ta phải lãng phí thời gian, công sức, tiền của cho những việc không đáng có, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Tạo nên hiệu ứng tâm lý đám đông chạy theo một cái gì đó mơ hồ, làm đảo lộn đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.
          Thực tiễn tại Hà Nội đầu tháng 3 năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện,  có một số người lợi dụng tình hình đã tung tin tức giả nhằm trục lợi làm cho một bộ phận dân cư tháo chạy khỏi thành phố, hàng hóa ở các siêu thị, cửa hàng bị vét sạch mang về nhà tích trữ với giá cắt cổ là một ví dụ cho thấy tác hại của tin giả.
          Việc sử dụng Internet, mạng xã hội ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, ngày càng trở nên phổ biến. Lợi dụng điều đó, các thế lực thù địch cũng tập trung khai thác tối đa các tiện ích từ internet, mạng xã hội để điên cuồng chống phá. Những thông tin giả, thông tin xấu, độc liên tục được chúng phát tán tràn lan trên Internet, mạng xã hội với mục đích gây nhiễu loạn, ô nhiễm nguồn thông tin, đầu độc người xem, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống Đảng, chống chính quyền. Các tin tức giả mạo sẽ dẫn tới phá rã các giá trị tinh thần của xã hội, gây khủng hoảng niềm tin, mất phương hướng cho con người, kích động dân chúng phản loạn... gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.
          Những chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch trên Internet, mạng xã hội không mới. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có hai chiêu trò cơ bản: Như chúng đưa tin giả, thông tin sai sự thật lừa gạt người nhẹ dạ cả tin, gây tâm lý hoang mang, lo lắng, tạo nên bức tranh xã hội xám xịt, toàn gam màu tối. Chúng triệt để lợi dụng những khiếm khuyết của chủ nghĩa xã hội hiện thực; những bất cập, hạn chế trong lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước; tình trạng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên… để thổi phồng, xuyên tạc, đả kích, bôi nhọ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo… gây tâm lý bức xúc, hoài nghi, giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
          Chiêu bài không mới, nhưng chính sự dễ dãi, cả tin, kém hiểu biết, cùng tâm lý đám đông khi tham gia mạng xã hội của một bộ phận người tham gia, sử dụng đã vô tình cổ súy, tiếp tay tạo nên tầm ảnh hưởng và tác hại ghê gớm từ tin giả, tin xấu, độc trên mạng xã hội thời gian qua.
          Thực hiện Nghị quyết  số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khoá XII “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Theo đó, cần tăng cường đấu tranh, loại bỏ, ngăn chặn, xử lý theo pháp luật đối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ mạng, cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử…và các cá nhân lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá trên internet, mạng xã hội. Trong thực thi các nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch phải gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả.
          Trên tinh thần đó, các cấp các ngành nói chung, Nhà trường ta nói riêng thời gian qua đã có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ tăng cường đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các thông tin giả, xấu, độc trên không gian mạng kiên quyết làm trong sạch, lành mạnh môi trường internet, mạng xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2019, theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam,  Facebook đã gỡ bỏ 201 tài khoản cá nhân giả mạo; 109 đường link tuyên truyền thông tin giả mạo, xấu, độc, kích động chống phá nhà nước; 2.444 đường link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp; 214 đường link phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ các lãnh đạo Đảng và nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức; 215 fanpages về game cờ bạc, đổi thưởng. Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ 7.192 video vi phạm trên YouTube; gỡ bỏ 15/62 kênh YouTube, trong đó đặc biệt có một kênh YouTube có tên là tin tức hằng ngày bao gồm 501 video, bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí cũng tăng cường thiết lập các trang thông tin trên mạng, giới thiệu gương người tốt, việc tốt, chia sẻ, lan toả thông tin tích cực, chính thống đến với người sử dụng.
          Trên phạm vi Nhà trường, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường, các cơ quan, khoa, đơn vị đã chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, đấu tranh phê phán các tin giả, các luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu trên không gian mạng. Nhà trường quan tâm xây dựng lực lượng 47 vững mạnh; chủ động xây dựng hai trang  website chính thức đó là:  http://khoiphong.blogspot.com và http://www.dautruongdanchu.org; để chia sẻ, giới thiệu và lan tỏa gương người tốt, việc tốt, đồng thời đấu tranh khá tích cực và hiệu quả, chống lại các luận điệu xuyên tạc, tin tức giả mạo, bịa đặt sai sự thật của các thế lực thù địch.
          Tuy đã có nhiều nỗ lực, nhưng có thể thấy rằng cuộc chiến chống tin giả, thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội không chỉ một sớm một chiều mà sẽ là cuộc chiến lâu dài vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi tính kiên trì, bền bỉ và sự nỗ lực không ngừng của toàn xã hội nói chung và Nhà trường nói riêng. Để ngăn chặn, đấu tranh chống tin giả, thông tin xấu độc, bên cạnh giải pháp đấu tranh bóc gỡ trực tiếp, làm trong sạch môi trường internet, mạng xã hội cũng như tăng cường lan tỏa, chia sẻ các thông tin chính thống, gương người tốt việc tốt. Trong thời gian tới mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên chiến sĩ của Nhà trường khi tham gia Internet, mạng xã hội cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
          1. Tăng cường tự tìm hiểu để nâng cao nhận thức, kỹ năng và sự cảnh giác khi tham gia Internet, mạng xã hội     
          Tăng cường tìm hiểu, nghiên cứu, nắm vững các kiến thức về luật pháp, đặc biệt là Luật An ninh mạng: Mọi người có quyền tự do thông tin, báo chí, ngôn luận song phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Tại mục điều 8 khoản 1, mục d, Luật an ninh mạng năm 2018 quy định hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”. Mới đây là Nghị định 15/2020/NĐ - CP ban hành ngày 04/02/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử đã quy định rõ mức phạt với người đăng tin giả. Mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng được áp dụng với hành vi đăng tin bịa đặt, "gây hoang mang trong nhân dân", kích động bạo lực, đánh bạc; cổ súy hủ tục, mê tín, dâm ô; miêu tả tỉ mỉ việc chém, giết, tai nạn rùng rợn. Người dùng mạng xã hội sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng nếu đăng hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện đúng chủ quyền quốc gia; chia sẻ tác phẩm văn học, nghệ thuật, sách, báo bị cấm lưu hành. Mức phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng được áp dụng với người tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài phạt tiền, người đăng tin vi phạm quy định còn phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.
          2. Tỉnh táo, thận trọng và kiên định sàng lọc thông tin, hình thành các kỹ năng đánh giá, kiểm soát thông tin một cách chắc chắn
          Tỉnh táo, thận trọng sàng lọc thông tin, hình thành các kỹ năng đánh giá,  kiểm soát thông tin một cách chắc chắn, đó là: Xác định nguồn thông tin để hiểu nhiệm vụ, mục đích của nó; kiểm tra tác giả; địa chỉ các trang Web, Website, đường links có đáng tin cậy hay không; đọc để hiểu toàn bộ nội dung thông tin, đánh giá chất lượng bài viết, nội dung các bình luận; kiểm tra các hình ảnh, các video clip xem có bị cắt xén, chỉnh sửa; xem xét về bối cảnh xuất hiện thông tin với các sự kiện đã diễn ra và các hình ảnh kèm theo; tiếp tục đối chiếu, so sánh với các thông tin chính thống và các vấn đề xảy ra ngoài thực tế cuộc sống; khi cần thiết có thể hỏi ý kiến mọi người xung quanh hoặc các chuyên gia để từ đó xác định chính xác tin tức thật hay tin giả. Khi đã xác định chính xác hoặc nghi ngờ thông tin nhận được là tin giả, tuyệt đối không chia sẻ tới những người khác trên cộng đồng mạng cũng như ở ngoài xã hội. Với những thông tin lừa đảo, thất thiệt, xấu độc mỗi chúng ta cần kiên quyết vạch mặt, ngăn chặn, đấu tranh, phản bác; cảnh báo cho mọi người biết để đề phòng và báo ngay cho cơ quan chức năng xử lý.
          3. Nâng cao hiểu biết về văn hóa, chính trị - xã hội; giữ vững niềm tin vào Đảng, Nhà nước và Chính phủ; tích cực tuyên truyền nêu gương người tốt việc tốt lấy "đẹp" dẹp" xấu"
          Quân đội là lực lượng chính trị trung thành bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Mỗi cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ cần nâng cao hiểu biết về văn hóa, chính trị - xã hội; giữ vững niềm tin vào Đảng, Nhà nước và Chính phủ; khi tham gia, sử dụng Internet, mạng xã hội cần nghiên cứu kỹ càng, tư duy nhanh nhạy; có bản lĩnh trước những thông tin không chính thống trên mạng xã hội, thông tin chưa qua kiểm chứng để không bị nó tác động, lôi cuốn dẫn đến chia sẻ sai sự thật. Tích cực đưa tin, chia sẻ những thông tin tốt, thông tin chính thống; những tin, bài phản ánh về công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;  truyền thống quê hương, đất nước, truyền thống Nhà trường anh hùng, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, những hình ảnh đẹp, gương người tốt, việc tốt trên mặt trận phòng chống dịch Covid-19... để lan tỏa các giá trị tốt đẹp, nhân văn trong toàn xã hội; lấy cái "đẹp" dẹp "cái xấu", lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực. Có như vậy, công cuộc đấu tranh, triệt phá tin giả, tin xấu, độc mới mau chóng đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng một môi trường internet, mạng xã hội trong lành, đóng góp tích cực cho tiến trình phát triển xã hội./.
D.TH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét