Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

Đấu tranh với mưu đồ xuyên tạc Đại thắng mùa Xuân 1975


Ngày 30/4/1975, đại thắng mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.



Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tháng 12/1976 đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. Hay đánh giá của đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trong quá trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, ba cái móc chói lọi bằng vàng: Tổng khởi nghĩa tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến thắng mùa xuân 1975, đại thắng mãi mãi sáng ngời trong sử sách. Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kì tưởng chừng không thể làm được giữa thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển, đánh thắng những cường quốc, đế quốc chủ nghĩa chủ yếu bằng sức của chính mình, nêu một tấm gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước toàn thế giới”.
Thế nhưng, suốt hơn bốn thập kỷ qua, những luận điệu xuyên tạc bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta; những mưu đồ bóp méo, hạ thấp, phủ định ý nghĩa và giá trị của Đại thắng mùa Xuân 1975 liên tiếp được các thế lực chống đối, thù địch tung lên trên mọi phương tiện thông tin với nhiều hình thức, cả ở trong nước và nước ngoài. Họ thường “thảng thốt” rằng, chiến thắng lịch sử của nhân dân ta ngày 30-4-1975 đối với họ là “tháng 4 đen”; ngày quốc hận. Đồng thời, xuyên tạc bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, rằng đó là cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” giữa hai miền Nam - Bắc! Rồi khi nhân dân ta giành được thắng lợi, họ cho rằng không thể gọi đó là chiến thắng vẻ vang của Việt Nam trước Mỹ, vì khi đó Mỹ đã thay đổi chính sách, rút quân, cắt viện trợ, bỏ rơi chính quyền và Quân đội Việt Nam Cộng hòa! Họ nói bừa rằng cuộc chiến tranh này “không có kẻ thua, người thắng, mà chỉ nhân dân là chịu thiệt thòi”; rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta là “hoàn toàn vô nghĩa, lẽ ra dân tộc Việt Nam đã có thể tránh được cuộc chiến tranh này”, v.v. Họ còn ra sức biện hộ cho hành động xâm lược của Mỹ ở miền Nam, rằng đó là để giúp “Việt Nam tiếp cận văn minh phương Tây, chứ không phải là xâm lược Việt Nam”; rằng vì miền Bắc cộng sản “xâm lược, thôn tính miền Nam”, nên Mỹ phải “có trách nhiệm bảo vệ đồng minh của mình”, v.v. Đó là những luận điệu đầy ác ý, rất thâm độc của các thế lực thù địch; là những thiên kiến lệch lạc, những ngộ nhận, mơ hồ trong nhìn nhận, đánh giá lịch sử thiếu khách quan, cụ thể ở một số người.
Những luận điệu trên không có gì là lạ, chỉ có điều cứ đến những dịp nhân dân ta kỷ niệm Chiến thắng, thì sự chống đối, xuyên tạc đó lại dồn dập hơn. Trong những ngày này, với chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, họ tiếp tục ra rả những luận điệu chống phá, xuyên tạc với những chiêu thức mới, được tung lên các phương tiện thông tin, truyền thông, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Các thế lực thù địch bên ngoài liên kết với các đối tượng cơ hội chính trị, chống đối ở trong nước, “kẻ tung, người hứng”, “hợp lực” mạnh mẽ, ra sức truyên truyền chống phá. Những ngôn từ “yêu nước”, “vì dân, vì nước”, “tâm huyết”, “tôn trọng sự thật lịch sử”, “tôn trọng khách quan”,... được họ sử dụng thường xuyên hơn, nhằm làm tăng tính thuyết phục cho những luận điệu chống đối và để đánh lừa những người nhẹ dạ, cả tin trong chúng ta, tác động mạnh mẽ, tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm, thái độ của nhân dân ta. Sự xuyên tạc đó, dễ làm cho một số người trong các tầng lớp nhân dân ta mất cảnh giác, rơi vào ngộ nhận, hiểu sai lệch về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, suy giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và niềm tự hào chính đáng vào Đại thắng mùa Xuân 1975.
Cho đến bây giờ, có lẽ chúng ta không cần phải minh chứng, luận giải nhiều về bản chất, tính chất chính nghĩa, nhân văn và nhân đạo cao đẹp của cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta; về giá trị và tầm vóc vĩ đại của Đại thắng mùa Xuân 1975, vì điều đó đã quá rõ ràng. Sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch càng trở nên lạc lõng và lố bịch. Bởi, sự thật lịch sử ngày càng ngời sáng; giá trị và ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta ngày càng thẩm thấu và lan tỏa râu rộng, là động lực to lớn cho nhân dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Dù có công kích dữ dội, dù không từ một thủ đoạn nào để xuyên tạc, bóp méo, bôi đen, thóa mạ lịch sử, nhưng bản thân những kẻ tung ra các luận điệu chống phá, xuyên tạc cũng biết được rằng: “không thể thay đổi được tình hình”, không thể thay đổi được lịch sử. Dẫu biết thế, song chúng vẫn cứ cố tình xuyên tạc và ngày càng gia tăng về cường độ.
Lịch sử phải được tôn trọng, đánh giá phải khách quan, trung thực. Không thể phủ nhận, coi thường, xem nhẹ những hy sinh, mất mát to lớn của nhiều thế hệ người Việt Nam đã làm nên cuộc kháng chiến thần kỳ và Đại thắng mùa Xuân 1975. Cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân ta với đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh đó thực sự là cuộc đụng đầu lịch sử rất quyết liệt giữa khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa chống cộng. Đại thắng mùa Xuân 1975 là một chiến thắng vĩ đại, oanh liệt và vẻ vang của nhân dân Việt Nam trước các thế lực xâm lược; là chiến thắng của chính nghĩa và nhân văn trước phi nghĩa và bạo tàn. Vì lẽ đó, thế giới kính phục và gọi Việt Nam là “lương tri của thời đại”. Cho nên, mọi sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội, chống đối dù có tinh vi, xảo quyệt đến đâu cũng không thể làm phai mờ được giá trị và ý nghĩa to lớn đó.
Mùa Xuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét