Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

Kiên quyết đấu tranh chống thông tin xấu độc trên mạng xã hội



Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin cho những mục đích tốt đẹp, thì trong những năm gần đây một số đối tượng đã lợi dụng các tiện ích của internet để truyền tải những thông tin xấu độc gây rối loạn thông tin trong xã hội một cách có chủ định.
Sự hoạt động không ngừng nghỉ của các đối tượng trong và ngoài nước lợi dụng không gian mạng để truyền bá những thông tin xấu độc. Những thông tin này ngày càng được đưa ra một cách tinh vi, cùng một lúc dưới nhiều chiêu thức khác nhau, nhưng đều hướng tới một mục đích đó là "đả kích chế độ, gây chia rẽ, thù hằn dân tộc, xúc phạm nhân phẩm, danh dự cá nhân, bôi xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước".
Thủ đoạn chung của các đối tượng này là thường dựa trên những thông tin thực tế của báo chí đưa, rồi từ đó leo lái, cường điệu hóa, bóp méo sự việc, thậm chí còn trắng trợn bịa đặt, dựng lên câu chuyện về mối quan hệ mật thiết giữa các lãnh đạo cấp cao với các đối tượng phạm tội nhằm làm mất uy tín của lãnh đạo.

Tiến sĩ Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người cho biết: "Trên các clip và trên mạng youtube, chúng ta thấy: Họ thay cho lời nói thì họ lồng ghép những hình ảnh các đồng chí lãnh đạo của chúng ta với những sự kiện và những vấn đề nóng bỏng mà xã hội đang quan tâm với những kẻ tội phạm. Đây là những thủ đoạn có thể nói là rất thâm độc".
Trong khi thời đại hiện nay, việc lồng ghép những bức ảnh của các nhà lãnh đạo đất nước với những kẻ tội phạm thì rất là đơn giản. Tuy nhiên, đối với những người không biết, không phân biệt được đâu là ảnh ghép đâu là ảnh thật, thì rất là khó có thể giải thích được điều này.
Bên cạnh việc đưa thông tin sai sự thật và bóp méo các chính sách của Đảng, Nhà nước, các đối tượng còn đang tập trung bôi nhọ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kích động gây mất lòng tin, gây mất đoàn kết nội bộ. Đó là vì các đối tượng bịa đặt, đối tượng chống phá cho rằng chỉ cần gây hoang mang, phân tán, suy yếu lòng tin của nhân dân vào những người đại diện của Đảng, Nhà nước trong thời gian dài thì sẽ dẫn đến việc mất lòng tin vào hệ thống chính trị và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Bởi vậy, nên vừa qua các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ thông tin truyền thông có những giải pháp mạnh mẽ để chặn đứng tình trạng này.
Tại Hội nghị tổng kết năm, Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: "Trong năm qua, theo yêu cầu của Bộ, phía google đã hợp tác với cơ quan chức năng Việt Nam đã ngăn chặn, gỡ bỏ khoảng 4500/5000 video clip xấu độc trên trang youtube, còn facabook cũng đã gỡ bỏ 107/107 tài khoản giả mạo, 159 tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước".
Việc quản lý, ngăn chặn thông tin xấu trên mạng xã hội cũng là vấn đề chung, mang tính toàn cầu. Nhiều quốc gia cũng đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp không để những thông tin xấu, độc và sai sự thật có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn xã hội. Đây cũng đang là xu thế chung, khi nhìn rộng ra thế giới thì rất nhiều nước đang rất quan tâm tới vấn đề này. Ví dụ: ở Đức, từ đầu năm 2018, với luật chống lại các nội dung xấu có hiệu lực thì các công ty quản lý mạng xã hội có thể bị phạt hơn 60 triệu USD nếu không loại bỏ được thông tin được xác định là phi pháp, không rõ ràng trong 24 giờ, kể từ thời điểm được thông báo. Còn Trung Quốc thì từ lâu đã có những chính sách cứng rắn và chặt chẽ để quản lý các nhà sở hữu trên mạng xã hội. Còn tại Mỹ, nơi sinh ra mạng xã hội thì cũng đang đặt ra việc phải quản lý mạng xã hội nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng và an ninh quốc gia.
Không nằm ngoài xu hướng này, Việt Nam thậm chí là một trong những quốc gia đã chủ động phối hợp cùng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như google và facebook nhằm loại bỏ những thông tin sai sự thật mang tính kích động, bôi nhọ, ảnh hưởng đến xã hội. Từ đó, đặt ra những yêu cầu đó là, việc xóa bỏ những tài khoản giả mạo, gỡ bỏ những thông tin xấu độc, sai sự thật này là rất cần thiết. Tuy nhiên điều này mang nặng tính kỹ thuật. Do đó, báo chí cần phải đủ mạnh để tránh các tình trạng thông tin bị dẫn dắt bởi những thông tin không được kiểm chứng trên internet, trên mạng xã hội. Thế nhưng báo chí có mạnh được hay không, có kịp thời được hay không thì bên cạnh sự chủ động thì cần có cơ chế cung cấp thông tin.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương mới đây phát biểu: "Nhiều vấn đề xuất hiện trên mạng nhưng các cơ quan vì lý do nào đó coi đây là bí mật, nhạy cảm, nên không dám gửi ngay cho báo chí", chính vì thế mà người đứng đầu ngành Tuyên giáo cũng cho rằng sẽ dẫn tới việc độc giả sẽ tiếp cận những thông tin xấu làm cho phức tạp tình hình, thế nên việc "minh bạch thông tin đối với báo chí, đưa thông tin đúng, kịp thời tới độc giả", là điều cần làm ngay trong thời gian tới.
Trước những thông tin xấu độc về các đồng chí lãnh đạo, thì các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm nơi sinh hoạt của các đồng chí lãnh đạo nên có những tiếng nói nhất định, nên có những thông tin trên các mặt chính thức. Chúng ta không để các khoảng trống cho các thế lực thù địch có thể lợi dụng để tuyên truyền phát tán những thông tin xấu độc này.
Khi độc giả tiếp nhận những thông tin xấu độc, các đồng chí cần có sự sàng lọc, chắt lọc những thông tin chính thống và loại bỏ, lên án những thông tin xấu độc. Đồng thời cũng nên đọc từ những nguồn thông tin chính thống, chứ không phải là đọc từ từ những nguồn không rõ ràng.
Tới đây google sẽ xem xét và sớm thông qua luật an ninh mạng, nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý để xử lý các vi phạm. Những trường hợp lợi dụng để xâm hại lợi ích quốc gia dân tộc, kể cả việc tiếp tay để có các thông tin sai, thông tin nội bộ, bí mật nhà nước, gây ra sự thiệt hại xâm hại lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, mạng xã hội hay internet cũng chỉ là công cụ hỗ trợ, sử dụng nó vào mục đích tốt hay xấu là do con người. Do đó, bên cạnh những chế tài của pháp luật, cần trang bị những kiến thức, xây dựng văn hóa ứng xử của người sử dụng mạng để không làm ảnh hưởng tới lợi ích của người khác, đặc biệt là lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thay mặt Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tiếp thu những ý kiến chỉ đạo, đồng thời nhấn mạnh Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ hoàn chỉnh chương trình công tác năm 2018, bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, bám sát thực tiễn cuộc sống, không ngừng đổi mới nội dung và hình thức công tác,…trong thời gian tới.
                                             Cao Thế




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét