Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, đó là nhận
định không chỉ của Đảng, nhân dân ta mà còn là của bạn bè quốc tế. Tuy nhiên,
hiện nay, các thế lực thù địch chống Việt Nam thường xuyên tuyên truyền luận điệu:
“Ở quốc gia mà chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo như Việt Nam thì không có dân
chủ, sẽ đưa đất nước, dân tộc đi vào ngõ cụt”. Trên mạng Internet vẫn xuất hiện
nhiều thông tin thù địch, trái chiều, các blog có nội dung xấu rêu rao tư tưởng
dân chủ tư sản, bôi son, tô hồng về những thành tựu của các nước tư sản theo chế
độ đa nguyên, đa đảng, hay trực tiếp nói xấu, bôi nhọ vai trò lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng
ta. Bản chất của hoạt động này là nhằm phủ nhận sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp
về mọi mặt của Đảng, kích động đa nguyên, đa đảng, từng bước chuyển hóa thể chế
chính trị ở Việt Nam.
Thực tiễn lịch sử cho thấy,
quá trình ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu khách quan. Sự ra đời
đó không chỉ là ý chí đơn thuần của các nhà hoạt động cách mạng mà là sản phẩm
của lịch sử. Theo đó, những năm đầu thế kỷ XX, hàng loạt cuộc khởi nghĩa do
giai cấp nông dân, các sĩ phu yêu nước lãnh đạo lần lượt thất bại. Các đảng
chính trị đại diện cho các giai cấp, tầng lớp xã hội ở nước ta lúc bấy giờ
tranh đoạt vũ đài lịch sử dân tộc. Từ đảng của giai cấp nông dân như Nghĩa Hưng
(1907), đảng của giai cấp tư sản, địa chủ như Lập hiến (1923)... tới đảng của tầng
lớp thanh niên, sinh viên, trí thức, tiểu tư sản như: Việt Nam nghĩa đoàn, Đảng
Thanh niên, Đảng An Nam độc lập (1927), Việt Nam quốc dân đảng (1927)... rồi đảng
của bọn tay sai đế quốc Pháp và phát xít Nhật như: Đại Việt quốc gia xã hội đảng,
Đại Việt quốc dân đảng; các đảng phản động như: Việt Nam quốc dân đảng (Việt Quốc),
Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách)... Trong số ấy, chỉ một số đảng
mong chấn hưng đất nước nhưng “lực bất tòng tâm”, một số âm mưu, toan tính biến
đất nước thành nơi thử nghiệm những mưu đồ chính trị của giai cấp, tầng lớp họ.
Nhưng do không đủ sức lãnh đạo dân tộc, các đảng này hoặc tự phải diệt vong hoặc
bị giải tán. Giai đoạn này, nước ta đã hình thành nhiều tổ chức đảng phái khác
nhau, mà ta có thể hiểu một cách nôm na là “đa đảng”. Chính trong bối cảnh ấy,
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, từng bước nhận được sự tín nhiệm, yêu mến của
các tầng lớp nhân dân, từng bước lãnh đạo dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng
lợi khác.