Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

NÂNG CAO Ý THỨC TRÁCH NHIỆM


 Khi có được ý thức trách nhiệm cao trong công việc, con người ta có thể học được từ công việc nhiều kiến thức mới, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và cũng từ đó tìm thấy niềm vui. Để làm rõ ý nghĩa của khái niệm “ý thức trách nhiệm”, trước hết chúng ta hãy làm rõ ý nghĩa của hai cụm từ: “Ý thức" và “Trách nhiệm”

Ý thức trách nhiệm và trách nhiệm là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Trách nhiệm là một sự phụ trách và đảm đương một nhiệm vụ nào đó, còn ý thức trách nhiệm hay còn được hiểu là tinh thần trách nhiệm là thái độ của một người với công việc và với các hoạt động xã hội của người đó. Mức độ ý thức trách nhiệm của một người quyết định mức độ thái độ của người đó làm việc, đồng thời cũng quyết định thành tích công việc của người đó.
“Ý thức” ở đây được hiểu là: Nhận thức (nhận biết một cách có ý thức) về trách nhiệm của mình. Nhận thức về việc mình phải nhận trách nhiệm này. Dựa trên lòng tự trọng hoặc dựa trên lợi ích của bản thân, ra quyết định nhận trách nhiệm đó một cách có ý thức.
Trách nhiệm là việc người đó phải đảm bảo một kết quả phải xảy ra trong tương lai một cách chính xác và kịp thời (kể cả có ý thức hoặc vô ý thức). Nếu không hoàn thành trách nhiệm là mắc lỗi và người đó phải gánh chịu hậu quả không tốt xảy ra do lỗi đó của mình. Chịu trách nhiệm bao gồm hai yếu tố:
Yếu tố thứ nhất là dám nghĩ, dám làm: Nhận nhiệm vụ và nhận trách nhiệm với nhiệm vụ của mình, đồng thời nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ, không tránh né, không đùn đẩy nhiệm vụ sang cho người khác.
Yếu tố thứ hai là dám chịu (trách nhiệm): Nhận lỗi và sẵn sàng gánh chịu hậu quả xấu đến với mình khi mình không hoàn thành nhiệm vụ, không đổ thừa cho hoàn cảnh hay người khác.
Người chịu trách nhiệm hay là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đây là mẫu của những người chủ, những người Lãnh đạo trong tổ chức. Tuy nhiên cần phân biệt người dám làm dám chịu thực sự và người dám làm dám chịu giả tạo với mục đích che dấu phía sau. Trong khi người dám làm dám chịu thực sự luôn luôn làm đúng chức trách, chức năng, nhiệm vụ, vị trí công việc, khả năng, quyền hạn của mình. Họ luôn luôn làm đúng theo sự chỉ đạo, theo yêu cầu của cấp trên trong sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo. Người dám làm dám chịu giả tạo thoạt nhìn thì thấy họ luôn là những người đứng mũi chịu sào, luôn là người dám dấn thân và luôn chịu trách nhiệm với những việc mà mình làm, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Nhưng nếu xem xét kỹ sẽ thấy họ luôn luôn không làm đúng theo sự chỉ đạo, theo yêu cầu của cấp trên mà thường làm theo ý mình. Họ thường tự mình quyết định làm những công việc không phải trong phạm vi quyền hạn của mình được giao mà nằm trong quyền hạn của cấp trên (lấn quyền của cấp trên). Tuy rằng họ sẵn sàng gánh chịu hậu quả do những gì mình gây ra, nhưng sự gánh chịu đó cũng không thể bù đắp được những tổn thất mà những hành vi đó của họ có thể gây ra. Thực ra thì họ đã có một điểm không chịu trách nhiệm. Ngoài ra còn người không dám chịu trách nhiệm, đây là người hay đổ lỗi cho người khác như đổ lỗi cho cấp dưới, cho cấp trên, cho người khác cho ngoại cảnh; hay tránh né, đùn đẩy những công việc khó cho những người khác. Tuy nhiên, những người này khi bình công khen thưởng thường muốn nhận về mình, so sánh công lao với người khác để làm nổi mình lên.
Tránh nhiệm được thể hiện:
Có trách nhiệm trong công việc. Trách nhiệm của ở đây không phải chỉ là trách nhiệm với với cấp trên, với đồng nghiệp mà trước hết là trách nhiệm đối với chính bản thân mình. Bởi vì vai trò là người chủ công việc của chính mình. Mình chính là người chủ có quyền ra quyết định tham dự tổ chức này hay tổ chức khác, có quyền lựa chọn công việc này hay công việc khác. Tất cả đều là sự lựa chọn của mình cho nên mình phải có trách nhiệm đối với nó. Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm với sự lựa chọn của mình, trách nhiệm với những gì mà mình đã cam kết. Hình ảnh về một người không giữ lời hứa, không giữ cam kết là một hình ảnh không đẹp, nếu không nói là rất xấu. Nếu mình không có trách nhiệm thì tức là mình đang làm tổn thương lòng tự trọng của chính mình, đang làm hình ảnh của mình xấu đi trước hết là trong mắt mình và sau đó là xấu đi trong mắt người khác.
Trách nhiệm với tổ chức: Khác với ý thức trách nhiệm với công việc là chỉ nhận trách nhiệm với những gì mình cam kết, ý thức trách nhiệm với tổ chức đạt đến mức độ trách nhiệm cao hơn. Đó là việc người nhân viên tự đặt ra cho mình trách nhiệm với cả những điều mình không cam kết, những điều không có trong các quy định bắt buộc. Có những sự việc không ai yêu cầu họ phải làm hay phải thực hiện, nhưng họ vẫn làm và tự thấy mình phải có trách nhiệm với những công việc đó. Những công việc đó thường là những sự hỗ trợ đồng nghiệp, đề ra những sáng kiến, ý kiến đóng góp cho cấp trên để công việc được tốt hơn. Những việc đó phát sinh khi người đó không chỉ quan tâm đến kết quả trong phần việc của mình mà còn quan tâm đến kết quả chung của tổ chức, cơ quan, công ty mình đang làm, hay cộng đồng, khu dân cư mình đang sống. Cần thấy được sự gắn kết giữa quyền lợi cũng như lợi ích của tổ chức, của tập thể với lợi ích của bản thân. Trong một số trường hợp, có thể sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để bảo vệ lợi ích chung, vì bảo vệ lợi ích chung cũng chính là bảo vệ lợi ích cá nhân của mình. Thực ra đây chỉ là hy sinh cái nhỏ để bảo vệ cái lớn mà thôi.
Để nâng cao ý thức tránh nhiệm cho mỗi người cần phải:
Tuân thủ nội quy, quy chế và các quy định của tổ chức, tập thể: Là việc tuân thủ những tiêu chuẩn quy định hành vi cá nhân của mỗi người mà tổ chức xây dựng nên dựa trên những cơ sở pháp lý và các chuẩn mực đạo đức xã hội. Nó bao gồm các điều khoản quy định hành vi nhiệm vụ, chức trách, nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn hoạt động, trong lĩnh vực có liên quan đến thực hiện nhiệm vụ như số lượng, chất lượng công việc,...
Làm việc một cách tự giác: Là làm việc mà không cần phải chờ cấp trên giám sát, nhắc nhở, đôn đốc, thúc giục mới chịu làm. Chính mình tự giám sát mình, đôn đốc mình và thúc giục mình. Một trong những kết quả và cũng là dấu hiệu của làm việc tự giác là làm việc một cách tận tâm, cẩn thận, chu đáo và vẹn toàn.
Làm việc một cách chủ động, linh hoạt và sáng tạo: Là làm việc không theo một khuôn mẫu cứng nhắc mà biết ứng phó linh hoạt tùy theo tình huống, không chờ việc đến tay mới làm mà có những dự đoán trước, biết nhìn xa, trong rộng.
Luôn luôn nỗ lực hết sức mình: Luôn luôn nỗ lực hết sức mình để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho.
Có tinh thần đóng góp ý kiến, đóng góp công sức cho cấp trên, đồng nghiệp một cách tự nguyện, tự giác nhằm góp phần xây dựng tổ chức, tập thể ngày càng tốt đẹp hơn.
Có tinh thần hợp tác cao trong công việc với các thành viên khác trong tổ chức, trong tập thể.
Không đổ thừa hay đùn đẩy trách nhiệm qua lại cho người khác.
NVT












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét