Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Các thế lực thù địch đang lợi dụng vấn đề tham nhũng chống phá Cách mạng Việt Nam

            Tham nhũng đang là vấn nạn chung của toàn cầu, không riêng gì một quốc gia nào. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi phòng, chống tham nhũng là công việc quan trọng, cấp bách của công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước. 
          Trải qua các giai đoạn lịch sử, đến Đại hội VI (1986), Đại hội mở đầu công cuộc đổi mới đất nước, cuộc chiến chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí tiếp tục được Đảng ta đẩy mạnh. Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác phòng, chống tham nhũng: Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 12/9/1987 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện “Cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội”; Nghị quyết Trung ương 8 khóa VI về tiến hành cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng; Chỉ thị của Bộ Chính trị khóa VII về việc tiếp tục ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng, buôn lậu; Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết số 14-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VII (15/5/1996) về lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng... Trong các Văn kiện Đại hội VIII, IX và X, Đảng ta tiếp tục chỉ rõ sự nguy hại của tham nhũng đến sự tồn vong của chế độ. Đại hội XI trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn, Đảng ta khẳng định trên lĩnh vực đấu tranh chống tham nhũng đã có những chuyển biến rõ nét. Thống nhất với quan điểm các kỳ Đại hội trước đó, Đại hội XII tiếp tục khẳng định và bổ sung quan điểm về đấu tranh phòng chống tham nhũng. Trong đó nhấn mạnh: “Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước”.
Thực tiễn trong thời gian qua, cuộc chiến chống tham nhũng đã thu được kết quả bước đầu tích cực. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh, nhiều quan chức cấp cao, kể cả thuộc diện Trung ương quản lý cũng chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Minh chứng như vụ án “Đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam; vụ án “Tham ô tài sản; rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin; vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương…
Từ những kết quả trên cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng trong những năm qua luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta coi trọng và đã cho những kết quả khả quan; góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, từ trước tới nay đặc biệt trong thời gian gần đây, các đối tượng xấu, thế lực thù địch núp danh nghĩa “Dân chủ, nhân quyền” lợi dụng triệt để vấn đề tham nhũng ở nước ta để xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Từ đó, tạo sự hoài nghi trong nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng. Truy cập vào mạng Internet, sẽ bắt gặp những trang mạng xã hội facebook, blog… của một số hội, nhóm và các cá nhân tự xưng là những nhà hoạt động “Dân chủ, nhân quyền”, “Vì dân”, “Vì nước”, v.v. đăng tải các luận điểm xuyên tạc về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, Nhà nước ta.Nhìn vào những thông tin, bài viết của các hội, nhóm, cá nhân trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nó thường mang nặng sự suy diễn chủ quan, tô vẽ, thổi phồng, thậm chí xuyên tạc trắng trợn tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Để lôi kéo người dân “Nhẹ dạ, cả tin”, tin tưởng vào các luận điệu xuyên tạc của các hội, nhóm, nhà hoạt động đội lốt “Dân chủ, nhân quyền”, chúng thường lợi dụng những vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ, đảng viên đã xảy ra hoặc những sự việc tiêu cực trong xã hội để suy diễn, quy kết “Do tham nhũng” và thổi phồng cho đó là tình trạng “Phổ biến”, “Bản chất” của chế độ xã hội chủ nghĩa, một “Căn bệnh” do cơ chế độc đảng lãnh đạo, do “Năng lực quản lý yếu kém” của Nhà nước,... Chúng rêu rao những nội dung đại loại như: “Đang có cuộc thanh trừng, đấu đá nội bộ trong Đảng”, “Cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc đấu đá phe cánh”, rồi “Tăng cường phòng, chống tham nhũng chỉ là chiêu trò mị dân”, “Chống tham nhũng chỉ là hô khẩu hiệu”... Chúng suy diễn rằng, có sự “Bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí” của lãnh đạo, chính quyền các cấp nên nó mới lộng hành như vậy. Nguy hiểm hơn, để truyền tải rộng rãi các thông tin xuyên tạc tới người dân, chúng còn lập riêng một số website, blog để đăng tải bài viết, hình ảnh xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ về đời tư, sự minh bạch của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Đó là những luận điệu xuyên tạc, bóp méo mà các thế lực thù địch đang cố tình lợi dụng vấn đề tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam để thực hiện mục đích, ý đồ xấu. Là âm mưuthâm hiểm,sự xúi giục,suy diễn chủ quan, tô vẽ, thổi phồng, xuyên tạc trắng trợn của một số hội, nhóm và các cá nhânđội lốt, tự xưng là những nhà hoạt động “dân chủ, nhân quyền”, “Vì dân”, “Vì nước”... nhằm kích động, lôi kéo nhân dân ta đứng lên đòi thay đổi cương lĩnh, thể chế chính trị, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, chuyển xã hội ta sang một xã hội “đa nguyên, đa đảng”.
            Như vậy, tham nhũng, một trong những vấn đề nhức nhối, một hiện tượng xã hội đang bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá cách mạng Việt Nam.Vì vậy, khi đọc những trang mạng này chúng ta cần biết chắt lọc thông tin, nhận diện những trang mạng, những diễn đàn thông tin sai sự thật là điều rất cần thiết. Nhận thức đúng đắn về bản chất, âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, từ đó nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để bị kích động, lôi kéo, mắc mưu của chúng. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh phản bác với những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, bảo vệ vững chắc quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng góp phần xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Nguyễn Sơn





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét