Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Lại một sự xuyên tạc trắng trợn về nhân quyền Việt Nam

Những tổ chức, cá nhân có thâm thù với Việt Nam luôn tìm mọi cách xuyên tạc tình hình nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng; trong đó, có việc thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Báo cáo của tổ chức “Ân xá quốc tế” mới đây là một ví dụ.
Ảnh minh họa (Nguồn: nhanquyenvn.com).

Trung tuần tháng 7/2016, tổ chức “Ân xá quốc tế” (Amnesty International) đã đưa ra bản “báo cáo” về tình trạng tù nhân trong các trại giam ở Việt Nam hiện nay. Cái gọi là “báo cáo” do John Coughlan - “nhà nghiên cứu”, phụ trách về Việt Nam - của tổ chức này chuẩn bị, với nội dung chủ yếu là xuyên tạc thực tế, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người. Song, việc làm sai trái mang đậm mầu sắc chính trị đó của “Ân xá quốc tế” chỉ có thể lừa gạt được những ai không biết hoặc chưa hiểu rõ tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Và dù vậy, nó cũng không thể phủ nhận được thành tựu, nỗ lực của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam về nhân quyền! Câu hỏi đặt ra là: Tại sao một tổ chức nhân danh quốc tế lại làm như vậy, thay vì đưa ra một báo cáo khách quan, trung thực về tình hình ở Việt Nam? Chuyện tưởng lạ song không lạ! Bởi, vấn đề ở chỗ họ là ai.
Cái gọi là tổ chức “Ân xá quốc tế” được thành lập năm 1962 ở Anh, bởi luật sư Peter Benenson. Hoạt động chủ yếu của tổ chức này mang động cơ chính trị và tồn tại được là do sự tài trợ của các thế lực tài phiệt quốc tế, phục vụ cho mục đích của họ. Về vấn đề này, Giáo sư luật, của Đại học Illinois, Francis Boyle, người từng là thành viên của Hội đồng Quản trị của Tổ chức Ân xá quốc tế Hoa Kỳ vào đầu những năm 1990, tuyên bố: “tổ chức Ân xá quốc tế đã hành động theo những chủ trương có liên quan chặt chẽ với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh”. Đồng thời, nhấn mạnh: “các nhóm ủng hộ Israel tại Hoa Kỳ và Anh đã ngầm đóng góp tài chính tương đối lớn của tổ chức Ân xá quốc tế (Ông ước tính ở mức 20% ngân sách của tổ chức) và dùng nó để khiến tổ chức này có những tuyên bố thiên vị Israel”. Cùng với nhiều kết quả điều tra khác, Ông kết luận: một mặt, “Tổ chức Ân xá quốc tế hoạt động chủ yếu là do động cơ chính trị,…”; mặt khác, “là vì tiền và để thu hút nhiều hơn các thành viên, đồng thời tạo các xung đột nội bộ. Và cuối cùng mới là nhân quyền”. Với bản chất như vậy, hẳn sẽ không còn ai nghi ngờ về tính thiếu khách quan, chính xác của báo cáo về nhân quyền tổ chức “Ân xá quốc tế” đưa ra. Nói cách khác, ở đây không thể có sự khách quan, trung thực - thứ hoàn toàn xa lạ, xa xỉ đối với Tổ chức này.
Còn về thuật ngữ “tù nhân lương tâm”, cũng là sản phẩm mà tổ chức “Ân xá quốc tế” sáng tạo ra, nó không phải ngôn từ thông dụng khi đề cập về lĩnh vực nhân quyền. Nhưng phải thừa nhận rằng, một khi muốn thuyết phục ai đó về hành động sai trái, thiếu trung thực thì có lẽ không có ngôn từ nào phù hợp hơn cụm từ “tù nhân lương tâm”. Vì thế, cụm từ này được tổ chức “Ân xá quốc tế” sử dụng cũng không có gì là lạ. Có điều, ở Việt Nam, không có cái gọi là “Tù nhân lương tâm” như tổ chức “Ân xá quốc tế” vẫn rêu rao, mà chỉ có những kẻ bị Nhà nước truy tố vì vi phạm pháp luật với tội danh gây rối, làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chống đối, hòng lật đổ chế độ hiện hành. Đó là sự thật. Và sự thật thì luôn luôn là sự thật, dù bất kỳ ai, sử dụng “mưu mô, chước quỷ” như thế nào hòng thay đổi thì nó vẫn là sự thật.
Về phương pháp thực hiện “Báo cáo”, ngày 15/7, trả lời phỏng vấn của BBC tiếng Việt, ông John Coughlan, khẳng định: “Báo cáo này căn cứ trên một năm nghiên cứu, gồm các cuộc phỏng vấn,…” và nhấn mạnh: “Những người chúng tôi phỏng vấn là cựu tù nhân lương tâm, tức là những người đã ra tù trong vòng 5 năm trở lại đây, có 18 người dự phỏng vấn của chúng tôi, 11 nam và 7 nữ. Tuy nhiên chúng tôi cũng thu thập thông tin đối với những tù nhân lương tâm hiện bị giam thông qua các tổ chức nhân quyền và thông tin công cộng khác”. Như vậy là Ông ta ngồi một chỗ, tự nghĩ ra nội dung theo “đơn đặt hàng”, vẽ ra kịch bản để “phỏng vấn” qua điện thoại và thư điện tử(!) Vậy, “Tù nhân lương tâm” ở Việt Nam là ai? Theo họ, đó là một số cá nhân, như: Cù Huy Hà Vũ, Phạm Trí Dũng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Viết Đào, Tạ Phong Tần, Trương Duy Nhất, Nguyễn Văn Hải, v.v. Nếu điểm mặt, chỉ tên thì sự thựt đây là những người đã vi phạm pháp luật, hoạt động với mưu đồ chống phá, lật đổ chế độ và bị Nhà nước Việt Nam xử lý bằng pháp luật. Xin hỏi rằng, các cuộc “phỏng vấn qua điện thoại, email” đối với những con người đó liệu có chính xác? Rằng họ sẽ xác thực thành tựu nhân quyền Việt Nam, hay chỉ là những thông tin giả tạo, với sự hằn học, thâm thù? Sẽ là thừa nếu ai đặt câu hỏi: tại sao, Ông ta lại không lấy thông tin từ những tổ chức, cơ quan, cá nhân có trách nhiệm theo quy định của pháp luật Việt Nam? Bởi, nếu đúng như vậy thì đúng là chuyện lạ! Tổ chức của cái gọi là “Ân xá quốc tế” có cùng chung mục đích của những kẻ kỳ thị, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam! Như vậy, phương pháp của “nhà nghiên cứu” và cái tổ chức “Ân xá quốc tế” là phi khoa học, chứa đựng mưu đồ xấu! Với tâm địa, mục đích và phương pháp như vậy, John Coughlan không xứng đáng là một nhà nghiên cứu!
Về nội dung, bản “báo cáo” vẽ ra là: các “tù nhân lương tâm” trong các nhà tù ở Việt Nam luôn bị “tra tấn, ngược đãi” bằng các hình thức như: “biệt giam”, “đánh đập”, “cưỡng bức mất tích” hoặc “bị khước từ chữa bệnh”,…(!) Từ đó, họ “kiến nghị” Chính phủ Việt Nam phải: “chấm dứt việc bắt bớ và lập tức trả tự do cho các tù nhân lương tâm”, “Chấm dứt việc tra tấn và đối xử tàn bạo tại các đồn công an, trại giam”; “sửa đổi Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự và Luật về Thi hành tạm giữ và tạm giam”,... Đây là một sự vu khống, xuyên tạc trắng trợn về tình hình bảo đảm quyền con người, quyền công dân của Nhà nước Việt Nam; đồng thời, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ Việt Nam.
  Như mọi người đều biết, quyền tự quyết của các dân tộc đã được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc (năm1945) và Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người (năm1948); trong đó, bao gồm: quyền lựa chọn chế độ chính trị, thiết lập thể chế quốc gia, xây dựng hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đây là quyền của mọi quốc gia, dân tộc mà không có tổ chức, cá nhân nào có quyền can thiệp. Việt Nam là một đất nước có chủ quyền, thể chế chính trị, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam do nhân dân Việt Nam quyết định. Trên thực tế, với tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tập hợp mọi giai tầng xã hội để thực hiện công cuộc “ba giải phóng”: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bất công, đem lại độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc, hạnh phúc cho người dân. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám - 1945 dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; Chiến thắng Điện Biên Phủ-1954, Đại thắng mùa Xuân 1975 đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, tự do; thắng lợi của 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (1986-2016),… là những thành tựu mang tính lịch sử trong thực hiện “ba giải phóng”. Việt Nam đã “rũ bùn, đứng dậy sáng lòa”, bản lĩnh, phẩm giá, trí tuệ Việt Nam được nhân dân yêu chuộng tiến bộ và hòa bình trên thế giới ghi nhận, đánh giá là “người chiến sĩ tiên phong” trong công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, xóa bỏ bất công, áp bức, đói nghèo của thế kỷ XX.
Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, Việt Nam kiên định với mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, lấy con người làm trung tâm của mọi chiến lược phát triển. Cương lĩnh (Sửa đổi, bổ sung năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”. Nhằm bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế, Việt Nam đã là thành viên của 07 Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, đồng thời luôn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, cam kết, nghĩa vụ của quốc gia thành viên. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm thúc đẩy các quyền con người đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt, năm 2014, Việt Nam đã phê chuẩn tham gia: “Công ước về quyền của người khuyết tật”; “Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”. Với thành tích bảo vệ nhân quyền, Việt Nam đã được công đồng quốc tế bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân Quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016) và là thành viên của nhiều tổ chức có uy tín khác trên thế giới. Điều này, mặc nhiên khẳng định, Việt Nam không chỉ bảo đảm tốt quyền con người, quyền công dân, mà còn có nhiều đóng góp cho cuộc đấu tranh vì nhân quyền trên thế giới.
Thực tế cho thấy, quan điểm bảo vệ, tổ chức thực hiện quyền con người, quyền công dân được thể hiện rõ trong Hiến pháp 2013 và các bộ luật, luật của Nhà nước Việt Nam; đồng thời, trong thực tiễn các quyền của người dân Việt Nam về kinh tế, văn hóa, xã hội,… đều được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Đất nước Việt Nam hiện nay rất thanh bình, có nền chính trị ổn định, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, có nền kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao. Việt Nam là điểm sáng của Liên hợp quốc về hòa hợp, hòa giải dân tộc và xóa đói giảm nghèo, về tốc độ và chất lượng phát triển, là điểm đến đầu tư của cộng đồng quốc tế. Đó là sự thật không ai có thể phủ nhận! Thực hiện Hiến pháp năm 2013, Nhà nước Việt Nam đã tiến hành luật hóa các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã phê chuẩn. Thực thi pháp luật, về việc bảo đảm quyền con người đối với phạm nhân, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 98/2002/NĐ-CP, về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế về tạm giam, tạm giữ năm 1988 của Chính phủ”; trong đó, quy định: “Trại giam phải tổ chức giam phạm nhân theo từng loại riêng, ... Phạm nhân là nữ hoặc là người chưa thành niên phải được giam ở khu vực riêng trong từng trại (Điều 7), “Trừ những phạm nhân bị phạt giam ở buồng kỷ luật, còn các phạm nhân khác được ở theo buồng tập thể” (Điều 15); “Trại giam phải được bảo vệ nghiêm ngặt,… có đủ ánh sáng, bảo đảm vệ sinh, môi trường” (Điều 10); “Phạm nhân được hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ,… được đọc sách, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, xem truyền hình” (Điều 18); “Trong thời gian ở trại, phạm nhân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm một lần” (Điều 19). Đặc biệt, Điều 21 quy định: “Phạm nhân lao động ngày 8 giờ”, “Nữ phạm nhân có thai được nghỉ trước và sau khi đẻ theo quy định chung của Nhà nước”. Điều 23, quy định: “Kết quả lao động do phạm nhân dùng để đầu tư trở lại mở rộng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất của trại, thưởng cho cán bộ, chiến sĩ của trại có thành tích trong việc tổ chức và quản lý sản xuất; thưởng cho phạm nhân vượt chỉ tiêu”, nếu không đủ, “Nhà nước sẽ cấp bổ sung số kinh phí còn thiếu”. Như vậy, phạm nhân trong nhà tù ở Việt Nam đã được hưởng những quyền cơ bản của con người theo quy định của pháp luật. Họ được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, được dạy nghề, lao động và hưởng thụ thành quả của mình theo quy định. Có thể khẳng định rằng, trong các nhà tù ở Việt Nam, phạm nhân không chỉ được thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, mà còn được giáo dục, cải tạo, dạy nghề để trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội. Cùng với đó, Nhà nước cũng quy định rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân được Nhà nước trao quyền thực thi công vụ một cách rõ ràng, nếu họ vi phạm những quy định đó sẽ bị pháp luật xử lý một cách nghiêm minh. Theo đó, Bộ luật Hình sự (năm 1999) quy định: “Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực,…” thì bị phạt tù “từ 02 năm đến 07 năm” (Điều 97); “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” có hình phạt lên đến 07 năm tù (Điều 104),... Với tinh thần nhân đạo, khoan hồng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành Luật Đặc xá. Hằng năm, Chính phủ thực hiện đặc xá cho phạm nhân theo nguyên tắc: công khai, minh bạch, dân chủ, đúng người, đúng quy định luật pháp. Trước mỗi đợt đặc xá, phạm nhân được bình bầu dân chủ, chọn những người thành tâm sửa chữa, nỗ lực lao động cải tạo, chấp hành nội quy trại giam,… tốt sẽ được đặc xá trước. Còn những phạm nhân nào chấp hành không nghiêm nội quy trại giam, lười lao động, cải tạo,… thì nhất thiết phải chờ đến hết thời hạn trong tù theo quy định. Từ năm 2009 - 2015, triển khai Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã quyết định thực hiện 05 đợt đặc xá, tha trước thời hạn cho gần 64 nghìn phạm nhân. Cùng với đó, Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách cho người đang thi hành án, trong đó có chính sách dạy nghề. Phần lớn những người được đặc xá năm 2015 đã có trong tay những nghề đơn giản để hội nhập cộng đồng. Như vậy, những nội dung mà tổ chức “Ân xá quốc tế” nêu ra trong cái gọi là “báo cáo” đều không có cơ sở, biểu hiện sự xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật và thực tiễn ở các trại giam Việt Nam hiện nay.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, núp dưới danh nghĩa “bảo vệ nhân quyền”, tổ chức “Ân xá quốc tế” đã ngang nhiên bao che, bảo vệ, cổ vũ cho các hành vi phạm tội gây rối trật tự công cộng và xâm phạm an ninh quốc gia. Đó là những cá nhân vi phạm pháp luật, bị truy tố, bắt giữ, đưa vào cải tạo trong nhà tù (mà họ gọi là “tù nhân lương tâm”) thuộc những tội, như: “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 79, Bộ luật Hình sự, năm 1999; “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; “Tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (Điều 258, Bộ luật Hình sự, năm 1999),... Những việc mà tổ chức này đã, đang làm là không thể chấp nhận. Điều này, thể hiện quan điểm chính trị, nhân quyền đi ngược lại với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam. Việc “Ân xá quốc tế” chỉ nhăm nhăm bảo vệ những “Tù nhân lương tâm”, chứng tỏ họ không xứng với cái tên và “cái áo” bảo vệ nhân quyền đang mang. Thực ra, những cái gọi là tổ chức, như: “Ân xá quốc tế”, “Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế” (Human Right Watch - HRW) chỉ là những “cái loa rè”, là công cụ của lực lượng cực hữu trong việc khuyến khích các hoạt động chống phá các nước thể chế dân chủ không theo mô hình phương Tây, trong đó có Việt Nam.
Trò xuyên tạc sự thật, bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền chẳng có gì mới, vẫn là việc làm thường xuyên của các thế lực thù địch. Chúng luôn tìm mọi cách để làm giảm sút lòng tin của các tầng lớp nhân dân với chế độ xã hội, gây rối, làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, hòng lật đổ chế độ xã hội Việt Nam hiện hành. Dẫu có núp dưới hình thức nào, những kẻ như thế luôn bị nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhân dân Việt Nam nhận rõ và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ. Hành động của tổ chức “Ân xá quốc tế” thật sự là hành động lố bịch, chẳng lừa gạt được ai.Top of Form.
Nguyễn Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét